Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Mối nguy hại lớn

http://www.thesaigontimes.vn/Home/congnghe/toancanh/10284/Moi-nguy-hai-lon.html

Việt Nam không có những bãi rác điện tử như thường thấy ở các quốc gia giàu có trên thế giới. Ở những bãi rác lớn tại TP.HCM (Tam Tân, Đa Phước) cũng ít thấy linh kiện hoặc thiết bị điện tử. Vậy hàng triệu tấn máy móc, thiết bị điện tử - CNTT đã hết hạn sử dụng hàng chục năm nay đi đâu?   


Cách đây không lâu, hãng sản xuất máy in Lexmark quyết định chi khoảng 70.000 đô-la Mỹ để hỗ trợ cho nhà phân phối tại Việt Nam là Digiworld thu hồi máy in cũ và hộp mực đã sử dụng để có kế hoạch tiêu hủy. Nhưng bà Tô Hồng Trang, Giám đốc kinh doanh của Digiworld, cho biết kế hoạch này đã không thể thực hiện như mong đợi. Lý do: người tiêu dùng Việt Nam ít có thói quen đổi hàng cũ còn dùng được và bù thêm tiền để mua hàng mới.  
“Ai bán màn hình vi tính cũ không?”   

Không chỉ mua giấy vụn, báo, sách cũ…, những “đại lý ve chai di động” bây giờ còn mua cả máy tính, ti-vi, tủ lạnh… Một chị thu gom mặt hàng này ở khu vực Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TPHCM), cho biết: “Có nơi lấy hàng này tôi mới đi gom chứ. Bao nhiêu cũng lấy. Mua được những mặt hàng này, bán lại có lãi nhiều hơn, bình quân khoảng 50.000 - 100.000 đồng cho một chiếc ti-vi hay màn hình vi tính”.   

Không còn làm ăn “ngon lành” như trước nhưng cửa hiệu sửa chữa điện tử của anh Tâm ở đường Liên Phường, Đặng Văn Bi (Thủ Đức, TPHCM) vẫn còn treo bảng “Mua màn hình cũ các loại”, từ màn hình ti-vi cho đến máy vi tính với giá 200.000 - 400.000 đồng, tùy chất lượng và kích thước.  

Đó là những người mua bán nhỏ lẻ, giữa người mua và người bán có trả giá hẳn hoi, nhưng không “ngon ăn” bằng kênh thu mua qua Internet. Đối tượng mà những người chuyên gom hàng cũ qua mạng nhắm tới thường là các doanh nghiệp, vừa có số lượng hàng lớn, vừa không mặc cả giá, máy móc chưa hư hỏng nhiều (thậm chí còn mới) nhưng lại muốn thanh lý nhanh...   

Vào Google, chỉ cần gõ những tổ hợp từ khóa như “màn hình máy tính cũ”, “linh kiện cũ”… sẽ có hàng trăm địa chỉ chuyên mua các loại máy tính và các linh kiện vi tính cũ cao cấp hiện lên… Theo một người chuyên kinh doanh loại hàng này, máy cũ thế nào cũng mua. Tất nhiên là với giá tùy theo thế hệ của linh kiện và năm sản xuất. Một chiếc mainboard Pentium II, giá 20.000 đồng ; mainboard Pentium III : 30.000 đồng, mainboard Pentium IV cũng khoảng 30.000 đồng (nếu hàng chưa qua sửa chữa sẽ có giá 50.000 đồng).   

Ngay cả ổ cứng 10GB, 20GB không còn khả năng sửa chữa cũng được mua với giá 15.000 đồng. Thùng máy (case) cũng có giá 10.000 - 20.000 đồng. Màn hình có giá cao nhất. Loại 14 inch 50.000 đồng, 17 inch 100.000 đồng. Riêng màn hình LCD, người mua thường không đưa ra giá mà thương lượng với chủ nhân tùy theo mẫu mã, năm sản xuất, còn hoạt động hay đã “chết”…   

Kiếp “luân hồi” xoắn ốc  
Anh Tâm cho biết anh mua những mặt hàng cũ với hai mục đích : tân trang để bán cho những người ít tiền và lấy những linh kiện cần thiết để phục vụ công việc sửa chữa. “Dù giá máy bây giờ đã rẻ hơn trước đây rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều người không đủ tiền để sắm máy. Mình sửa chữa, bán rẻ để họ có điều kiện sử dụng,” anh nói.    

Thu gom hàng điện tử cũ một cách “quy mô” nhất là khu vực chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM). Chỉ riêng lô M của khu chợ này đã có hàng chục cơ sở. Một chủ cơ sở ở đây cho biết: “Nếu là hàng điện tử, ở đây mua hết, không cần biết có còn xài được hay không”. Những mặt hàng điện tử - CNTT cũ trên cả vùng, kể cả từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ đều được “tập kết” về đây. Các cơ sở này sẽ phân loại “hàng” theo giá trị còn lại. Vỏ máy nếu vẫn còn có thể sử dụng sẽ được “tút” lại, sau đó được lắp ráp thành những máy mới. Đèn hình cũng vậy.   

Các linh kiện khác như mainboard, ổ cứng, quạt tản nhiệt, CPU…, loại nào còn dùng được sẽ được “để dành” để nâng cấp hoặc bán cho các điểm sửa chữa dịch vụ, “bỏ mối” cho những sạp bán linh kiện khác cũng tại khu chợ Nhật Tảo. Có những chiếc màn hình mua theo dạng thanh lý của cơ quan, nghĩa là còn dùng được, sẽ được “tút” lại thành hàng mới để bán không chỉ tại các tỉnh miền Tây, mà còn ở các vùng ngoại thành ở TP.HCM, Hà Nội… Phần lớn được chuyển về các tỉnh theo dạng hàng second-hand để bán cho những người có thu nhập thấp hoặc sinh viên-học sinh tập làm quen với CNTT.   

Một chủ cửa hàng chuyên tân trang ti-vi, máy vi tính ở chợ Nhật Tảo cho biết phần lớn những đồ điện tử mua về sẽ được rã linh kiện, còn những chiếc có khả năng phục hồi được thì bán cho các đầu mối với giá 300.000-500.000 đồng. Các đầu mối sẽ chuyển hàng về bán ở các tỉnh xa với giá khoảng 600.000-800.000 đồng, tùy theo chất lượng và thời hạn sử dụng.   

Sau khi tận dụng những gì có thể để tân trang thành hàng mới, lấy linh kiện để bán…, người ta bán nốt những gì còn lại, kể cả các thùng máy (bằng nhựa hoặc sắt), cho các vựa sắt thép phế liệu để tái chế thành nguyên liệu cho những sản phẩm khác.   

Với những “kiếp luân hồi” như vậy, việc tiêu hủy các sản phẩm điện tử-CNTT đã hết hạn sử dụng tại Việt Nam là một điều… khó có thể xảy ra. Ông Nguyễn Cảnh Hiền (Công ty Bách Khoa Computer) nhận xét: “Cũng dễ hiểu khi Việt Nam chưa có những bãi rác chuyên xử lý rác thải điện tử - CNTT như các quốc gia khác. Vì chúng ta biết tận dụng để ‘tái sinh’ chúng. Lợi thì có lợi đấy nhưng nguy hại cũng không phải ít. Tái sinh quá nhiều lần sẽ làm chất lượng sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu này không bảo đảm.”   

Chặn từ cửa  
Trong nhiều bản thông báo phát đi trên toàn cầu, tổ chức theo dõi thương mại Basel Action Network (BAN) khẳng định: Một lượng lớn máy tính và thiết bị điện gia dụng đã qua sử dụng từ Mỹ và châu Âu đã được thu gom và chuyển sang các nước chậm phát triển, trong đó Việt Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp Máy tính của Nigeria đã từng công bố: hơn 75% lượng máy tính nhập khẩu vào quốc gia này là máy second-hand. Tại quốc gia này, mỗi tháng có đến hơn 500 container (mỗi container chứa khoảng 800 màn hình) máy tính và hàng điện tử đã qua sử dụng được nhập khẩu.   

Một bản báo cáo của ban vận động thành lập Hiệp hội Máy tính thương hiệu Việt cho biết, hơn 60% máy tính đang sử dụng tại Việt Nam đã qua sử dụng có nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ và các nước châu Âu. Những lô hàng này được nhập khẩu chính thức qua các cảng biển và  buôn lậu tại các cửa khẩu giáp với Campuchia. Quan sát trên thị trường ta thấy, những năm từ 1998 đến 2005, nhóm hàng công nghệ thông tin, cụ thể là máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy in được nhập nhiều nhất. Phần lớn là hàng còn sử dụng được nhưng vẫn được xem là “rác” vì chúng được thu gom từ những bãi rác điện tử ở nước ngoài.   

Dù chậm hơn những gì diễn ra trong thực tế nhưng khi được các chuyên gia cảnh báo nguy cơ Việt Nam sẽ là bãi rác thải điện tử khổng lồ, ngày 20-7-2006, ông Đỗ Trung Tá, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông, đã ký Quyết định 20/2006/QĐ-BCVT ban hành danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng không được nhập khẩu vào Việt Nam, gồm: máy chữ, máy điện tử bỏ túi, máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy in các loại, thiết bị vô tuyến (bao gồm cả điện thoại di động), camera, thiết bị giải mã và chọn kênh (settop box), cáp viễn thông bao gồm cáp đồng và cáp quang, linh kiện và phụ kiện.   

Giới chuyên môn nhận định, 10 nhóm sản phẩm kể trên là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất. Nhóm hàng này có ưu thế là giá rẻ, phù hợp với khả năng mua sắm của người sử dụng bình dân, người mới tiếp cận với công nghệ thông tin trong khi hàng chính hãng (trong nước và nước ngoài) lại có giá cao hơn.   

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, riêng nhóm hàng máy tính refurbish (hàng bị phát hiện lỗi khi xuất xưởng hoặc sau khi sử dụng trong một thời gian ngắn) đã quay trở lại thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng gia tăng. Nhóm hàng này có giá rẻ hơn hàng “loại 1” từ 10 đến 20%. Để tránh sự phát hiện của người tiêu dùng, nhiều đại lý bán với giá ngang với các lô hàng “loại 1” và cũng cam kết thời gian bảo hành bằng với chính hãng. Người tiêu dùng càng thiệt đơn thiệt kép!   

Một chuyên gia về lĩnh vực môi trường của Viện Tài nguyên và Bảo vệ môi trường - Đại học Quốc gia TP.HCM - nói: “Tác hại từ những hóa chất có trong những sản phẩm điện tử-CNTT hết hạn sử dụng là rất nghiêm trọng nhưng tại Việt Nam, vấn đề này chưa được giới chuyên môn quan tâm.” Phải chăng, đến lúc nào người tiêu dùng Việt Nam có thể “xài sang” như các quốc gia giàu có thì rác thải điện tử-CNTT mới là điều đáng lo ngại? 

Không hẳn như thế. Hãy làm điều gì đó khi vấn đề chưa xảy ra trên diện rộng. Hãy bắt đầu từ những dự báo khoa học của giới chuyên môn và những chính sách quản lý của các cơ quan hữu trách.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét