Với cách săn bắt như hiện nay, loài cá chiên, lăng, quất, dầm xanh, đặc biệt là cá chiên khổng lồ, được mệnh danh là “quái vật” sông Đà đã sắp biến mất khỏi dòng sông này.
> Cụ già 100 tuổi và cuộc chiến với "quái vật" sông Đà> Săn "trâu mộng" dưới đáy sông Đà
> "Vương quốc" của "quái vật" sông Đà
> "Quái vật" sông Đà và câu chuyện rùng rợn> Đi tìm "quái vật" sông Đà
Cách đây chục năm, để vào được huyện lỵ Quỳnh Nhai, phải đi từ Sơn La từ sáng sớm đến tối mịt mới vào đến bến phà Bắc Uân, rồi đi thuyền đuôi én ngược sông Đà, vượt 30km ghềnh thác nữa mới đến nơi. Hôm nào trời mưa thì có thể mất 2-3 ngày, thậm chí muốn vào không được, muốn ra không xong.
Giao thông ở các xã dọc đầu nguồn sông Đà chủ yếu là đường thủy. |
Từ huyện lỵ vào các xã dọc sông Đà chủ yếu là đi đường sông, nên hôm nào nước lớn thì không đi nổi. Đường đi khó khăn nên lái buôn dưới xuôi chẳng thể tìm lên để thu mua loài đặc sản quý hiếm này. Do đó, cá nhiều nhung nhúc, người dân ven sông ăn nhiều cũng chán.
Từ ngày cá chiên, lăng, loài cá được mệnh danh là “quái vật” sông Đà được các đại gia ưa chuộng, đường sá lên vùng đầu nguồn sông Đà thuận lợi, thì tình trạng săn bắt gia tăng mạnh mẽ, khiến loài cá này ngày một ít đi. Những con “quái vật” lăng, chiên nặng vài chục kg đã "trôi" dần về dĩ vãng.
Đặt bẫy cá chiên. |
Nguyên nhân chính khiến loài “quái vật” sông Đà biến mất nhanh chóng là cách khai thác tận diệt của những nhóm thợ săn cá vùng dưới tìm lên.
Từ chục năm nay, dọc đầu nguồn sông Đà chảy bên nước ta xuất hiện hàng trăm đội thợ săn bắt “quái vật” sông Đà. Họ là những thợ lặn, thợ săn cá rất giỏi từ các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ tìm lên. Những đội thợ săn này được trang bị tàu thuyền hiện đại, thiết bị lặn tân tiến, có thể lặn sâu hàng chục mét nước, vài giờ dưới lòng sông trong điều kiện nước chảy mạnh.
Thợ lặn săn "quái vật" trên sông Đà. |
Những đội săn bắt cá này cứ dong thuyền ngược sông Đà, tìm những địa điểm có nhiều lăng, chiên, quất, nhồng, dầm xanh và những loài cá lớn khác, rồi đeo bình ôxi hoặc ngậm dây hơi, đeo kính nhìn dưới nước, nhảy xuống lòng sông truy tìm “quái vật”. Loài “quái vật” này khi ở trong hang rất hiền lành nên họ có nhiều cách để tóm sống.
Với những con “quái vật” tinh ranh, lẩn sâu trong hang hốc, họ dùng vợt điện chích thì chỉ có chết đứ đừ. Khi những đội quân săn cá này nhảy xuống sông, chỉ sợ không có cá, chứ đã đối mặt với cá thì chả con nào thoát được.
"Quái vật" cá chiên trên sông Đà mỗi ngày thêm vắng bóng. |
Những nhóm thợ săn cá này thường dùng máy phát điện 3 pha và củ điện để quét cá từ đáy sông. Xung điện, củ điện có tầm hoạt động trong bán kính 10m, với độ sâu hàng chục mét, khiến cá 40-50kg, sống ở đáy sông cũng phải ngoi lên mặt nước mà “thở dốc”.
Củ điện là máy phát điện của các loại xe xúc, máy ủi, máy cày… cho ra dòng điện 3 pha. Điện được dẫn xuống chân lưới, và hai chiếc thuyền chạy song song sẽ quét những địa điểm có nhiều cá.
Mỗi khi dòng điện 3 pha đưa xuống sông, cá chỉ còn mỗi cách là “nhảy” lên thuyền để không bị điện giật. Với cách săn kiểu tận diệt này, từ tôm tép cho đến các loài cá 40-50kg đều chui tọt vào lưới. Những nhóm thợ săn này đã “quét” sạch cá ở dưới hạ lưu và hiện tại đang tìm lên phía đầu nguồn sông Đà để quét nốt số cá còn lại.
Những phương tiện đánh bắt thô sơ như thế này đã được thay thế bằng những biện pháp hủy diệt. |
Những đội săn cá sống quanh khu vực hồ thủy điện Hòa Bình, đặc biệt là dân chài của hồ Hòa Bình, đều là những thợ săn cá thiện nghệ, cung cấp cá đặc sản cho thành phố Hòa Bình và Hà Nội.
Khi đập thủy điện Hòa Bình xây dựng, lòng hồ rộng mênh mông, xuất hiện nhiều loài cá lớn, như mè, chép, trôi, trắm nặng vài chục kg, rồi cá măng nặng gần tạ, nhưng các loài cá quý hiếm, đặc sản như lăng, chiên, quất, dầm xanh, anh vũ thì biến mất. Những loài cá này chỉ sống ở những vùng nước chảy mạnh, nhiều hang hốc, nên các thợ săn cá lại phải ngược sông hàng trăm km để truy tìm cá quý.
Lái buôn thu mua cá chiên ở miền núi. |
Ngoài ra, nhóm thợ săn cá ở Việt Trì cũng là những “con rái cá” thực sự. Những đội săn cá ở đây đều có đồ nghề trị giá hàng trăm triệu đồng, để truy tìm cá hiếm ở khu vực Bạch Hạc, đoạn ngã ba sông Hồng và sông Đà. Khi các loài cá hiếm, đặc biệt là cá anh vũ, có giá 4-5 triệu đồng/kg bị tuyệt diệt, thì họ kéo nhau ngược sông Lô, Gâm, đặc biệt là sông Đà để săn cá quý.
Nhiều quán cá ngon ngoài đê sông Hồng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và dọc khu vực Bạch Hạc của TP Việt Trì chủ yếu được cung cấp bởi hàng chục đội thợ săn cá của dân chài Đoàn Kết, Việt Xuân, Châu Hạ, Bạch Hạc… ở Việt Trì. Thợ săn cá ở các làng chài dọc sông Hồng từ Hà Nội lên đến cầu Trung Hà (Ba Vì), cũng là những sát thủ của cá lăng, chiên…
Những con cá lăng lớn được các đại gia săn lùng ráo riết để thưởng thức bất kể giá đắt thế nào. |
Với những khu vực nước sâu, chảy quá mạnh, hang hốc nhỏ, không thể lặn xuống được thì họ thả những quả mìn tự chế chứa cả kg thuốc nổ xuống. Khi mìn nổ, không những “quái vật” sông Đà nặng vài chục kg mà tất cả các loài thủy sinh khác trong bán kính hàng chục mét cũng tan xác.
Tình trạng khai thác vàng ồ ạt cũng góp phần hủy diệt “quái vật” sông Đà. Dọc đầu nguồn sông Đà, đặc biệt là đoạn qua địa phận Quỳnh Nhai, lúc nào cũng có cả trăm chiếc thuyền đào đãi vàng. Mỗi chiếc thuyền có mấy chục gầu xúc, liên tục múc cát, đá dưới lòng sông lên lọc lấy vàng, rồi lại đổ xuống, làm xáo động môi trường sống của các loài cá quý, khiến chúng di chuyển khỏi hang hốc và dính lưới, bẫy giăng mắc kín sông.
Những chiếc thuyền khai thác vàng dọc sông Đà cũng góp phần làm hủy diệt "quái vật". |
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, những loài “quái vật” sông Đà sẽ tuyệt diệt trong một tương lai gần, khi đập thủy điện Sơn La hoàn thành. Toàn bộ lòng sông Đà từ Mường La, lên đến Thuận Châu, Quỳnh Nhai, đến tận Điện Biên và thị xã Lai Châu (cũ) sẽ biến thành một hồ nước khổng lồ.
Trong tương lai không xa, dòng sông Đà biến thành những hồ nước mênh mông, và các loài cá quý hiếm cũng sẽ biến mất. |
Và trong tương lai không xa, khi thủy điện Nậm Nhùn (Lai Châu), cùng hàng loạt thủy điện nhỏ ở các nhánh sông, suối đổ ra sông Đà hoàn thành, thì con sông Đà hùng vĩ coi như đã biến mất, thay vào đó là những hồ nước tĩnh lặng chứa hàng tỷ mét khối nước. Điều đó cũng có nghĩa, các loài cá quý, đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam, được mệnh danh là “quái vật” sông Đà, sẽ vĩnh viễn biến mất.
Phạm Ngọc Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét