Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Phát triển thủy điện ồ ạt: Lợi ít, hại nhiều


http://dantri.com.vn/c20/s20-593536/phat-trien-thuy-dien-o-at-loi-it-hai-nhieu.htm



Từ năm 1995 đến nay, tốc độ phát triển thủy điện ở nước ta rất nhanh chóng. Một mặt thủy điện góp phần cung cấp điện năng cho đất nước; mặt khác thủy điện cũng kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến đời sau.


 Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network - VRN) phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: các bài học và kinh nghiệm” nhằm mổ xẻ các vấn đề của thủy điện hiện nay, qua đó rút ra những bài học khắc phục hậu quả của việc phát triển ồ ạt thủy điện hiện nay.

Điều đáng nói, dù được Ban tổ chức mời nhưng không một chủ đầu tư của các công trình thủy điện lớn nào ở Quảng Nam (như Sông Tranh, A Vương...) đến tham dự hội thảo, khiến các đại biểu bức xúc.
 
Quang cảnh hội thảo

Báo cáo tại hội thảo, TS. Đào Trọng Hưng - Thành viên VRN cho rằng, tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác hết. Theo quy hoạch sơ đồ 7 đã nâng tổng công suất thủy điện từ 9.200MW (năm 2009) lên 17.400MW vào năm 2020, chiếm 23,1% trên tổng số 75.000MW các nguồn điện năng quốc gia.

TS. Đào Trọng Hưng cũng cho rằng lợi ích của thủy điện là năng lượng sạch, tái tạo, nguồn điện quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phòng chống lũ cho vùng hạ lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng núi, vùng dân tộc thiểu số…

TS. Hưng cũng băn khoăn: Đặc điểm khu vực xây dựng các thủy điện ở nước ta có độ nhạy cảm sinh thái cao như các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên sinh còn sót lại, vùng biên giới… Đó cũng là nơi định cư lâu đời của các dân tộc thiểu số giàu bản sắc văn hóa nhưng đa số là nghèo đói, sống dựa vào thiên nhiên nên dễ bị tổn thương…
 
Tình trạng người dân vào rừng đốn hạ nhiều cây gỗ quý về làm nhà đã xảy ra ở dự án thủy điện Sông Bung 4
 
Một điều dễ nhận thấy nhất là mất rừng do làm thủy điện. TS. Hưng cho biết hiện chưa có số liệu chính xác về diện tích rừng đã mất của các công trình thủy điện và mỗi công trình thủy điện mất bao nhiêu diện tích rừng? Theo ông ước tính, với 1MW thủy điện sản xuất ra, có khoảng 16ha rừng bị mất!
 
Đáng lưu ý là khu vực làm thủy điện gắn với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có đa dạng sinh học cao. Theo TS. Hưng, phát triển thủy điện gây ảnh hưởng rất lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay có 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “cõng” 2,5 dự án thủy điện. Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều dự án nhất là Cát Tiên 6 dự án, Hoàng Liên 5 dự án, Sông Tranh 7 dự án.
 
Không những mất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… thủy điện còn làm mất một diện tích đất canh tác khá lớn gồm đất trồng lúa nước, đất nương rẫy, cây công nghiệp, vườn nhà, đất màu ven sông…

Mặc khác, thủy điện cũng ảnh hưởng đến hệ thống sông ngòi như làm thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy các lưu vực sông, mất nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề này trước đây đã xảy ra cuộc tranh cãi quyết liệt giữa UBND TP Đà Nẵng và BQL nhà máy thủy điện Đăk Mi (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khi thủy điện này không trả nước về lại cho dòng sông nên làm cho TP Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô.
 
Thủy điện Sông Tranh 2 đang được dư luận quan tâm do có sự cố rò rỉ nước

Ngoài ra, khi xây dựng thủy điện, hệ sinh thái trên dòng sông sẽ thay đổi làm mất đi các loài rau thủy sinh và loài cá quý hiếm, làm ô nhiễm lòng hồ, làm chết các dòng sông…

Thủy điện cũng làm nảy sinh các vấn đề xã hội như người dân ở khu vực bị ảnh hưởng không có kế sinh nhai sẽ vào rừng làm lâm tặc bất đắc dĩ, tệ nạn cờ bạc rượu chè khi được nhận tiền đền bù đất đai hoa màu mà không biết làm ăn, bản sắc văn hóa bản địa bị mai một…

Một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển ồ ạt thủy điện là tình trạng tái định cư (TĐC) đối với những người dân buộc phải di dời nhường đất lại cho công trình. GS.TS. Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam - cho rằng hầu như các khu TĐC của các thủy điện trên cả nước đến nay công tác TĐC đều có vấn đề. Nhiều dự án thủy điện đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng công tác TĐC cho người dân vẫn chưa giải quyết xong.

Dẫn chứng vấn đề này, ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) - địa phương có đến 7 dự án thủy điện nói: “Chúng ta bồi thường tiền cho người dân tự xây nhà thì sợ họ dùng vào việc khác, còn các BQL dự án thủy điện xây nhà thì bà con đồng bào lại không ở được bởi nhà xây không phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa của họ”.

Điển hình là dự án thủy điện A Vương với khu TĐC A Lua (xã Dang). Đến nay khu TĐC này người dân cũng không ở được nên tỉnh Quảng Nam đang tìm cách di dời bà con đến địa điểm khác. Còn đối với các hộ dân ở thủy điện Sông Tranh 2 đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa chịu nhận tiền đền bù để di dời hoặc di dời đến nơi không có điều kiện sản xuất khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn.

Còn rất nhiều vấn đề đối với các thủy điện được các đại biểu mổ xẻ để giải quyết “hậu quả”. Một điều mà ai cũng thấy là thủy điện một mặt đem lại lợi ích cho quốc gia nhưng mặt khác lại lấy đi nhiều thứ đối với người dân ở nơi có thủy điện. Do đó, nhiều đại biểu là các nhà khoa học đầu ngành cũng đang tìm cách đưa lợi ích của thủy điện cân bằng với sự thiệt hại mà địa phương phải gánh chịu. Tuy nhiên, giải quyết mâu thuẫn này không phải nhiệm vụ dễ dàng trong tình trạng đã rồi.
  
Công Bính

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Đèn quang năng Nomad

http://www.khoahoc.com.vn/congnghemoi/cong-nghe-moi/39246_Den-quang-nang-Nomad.aspx



Thế kỷ 21, nhân loại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những chiếc điện thoại thông minh, máy in 3D... Thế nhưng vẫn có đến 1,5 tỉ người trên toàn cầu không được tiếp cận với nguồn ánh sáng ổn định, an toàn.

Ở những khu vực nghèo nhất thế giới, việc sử dụng đèn dầu hỏa để lấy ánh sáng về đêm vẫn rất phổ biến, điều này không chỉ làm tăng nguy cơ cháy nổ mà còn thải ra khói độc hại gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, một loại đèn dùng năng lượng mặt trời là một giải pháp hợp lý, ví dụ như đèn quang năng NOMAD.

Đèn quang năng Nomad - nd
Đèn quang năng Nomad - nd (Ảnh: Gizmag)

Được phát triển bởi Công ty O-Sun (Bỉ), đèn NOMAD có tác dụng tương tự các thế hệ trước như Solar Pebble, LuminAID, Sollight và Wakawaka, nhưng có nhiều ưu điểm hơn. NOMAD không chỉ phù hợp cho các hộ gia đình ở các nước đang phát triển mà còn có thể sử dụng cho những chuyến đi dã ngoại.

Đèn được thiết kế đơn giản với chỉ một nút bấm và mức độ chiếu sáng. Khi sạc đầy pin, nếu chọn chế độ sáng nhất thì nó có thể hoạt động liên tục 6 giờ, nếu chọn chế độ mờ nhất thì dùng được 35 giờ. Được bảo vệ bởi một chiếc đĩa silicon nhờ vậy có thể đặt vững vàng trên mặt đất mà không ảnh hưởng khả năng chiếu sáng, đèn còn có thể tháo rời thành nhiều bộ phận để dễ dàng di chuyển đi xa. Bộ sạc năng lượng mặt trời có thể tháo rời ra rồi gắn lên tường hoặc gắn lên khung kim loại của lều dã ngoại. Ngoài ra đèn còn được trang bị cáp để có thể sạc pin qua cổng USB của máy tính.

Đèn quang năng Nomad - nd

NOMAD sử dụng công nghệ LED có tuổi thọ lâu hơn các loại khác, bên cạnh đó được thiết kế vòng chống sốc để tránh hư hỏng khi rơi hoặc va đập. Thân vỏ đèn được làm từ vật liệu thân thiện môi trường như ABS và bao bì tái chế.
Theo tạp chí Gizmag thì đèn NOMAD sẽ được bán trên thị trường vào tháng 9 năm nay với giá 125USD. Bên cạnh đó hãng sản xuất cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tín dụng để hạ giá bán cho các nước đang phát triển.
Theo Thanh Niên, Gizmag