Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Tình trạng báo động của hành tinh chúng ta

http://www.reds.vn/index.php/



"Chúng ta chỉ có một Trái đất, và từ ISS, tôi có thể thấy rõ dấu ấn của nhân loại trên hành tinh này; chúng ta hành hạ hành tinh của mình một cách khủng khiếp, trong khi đương nhiên là chúng ta phải cứu vớt ngôi nhà duy nhất của mình".

Báo cáo "Hành tinh sống” do WWF 2012 công bố đã nêu ra lo ngại về sự suy kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào năm 2030.

Thói tiêu thụ thái quá, sự khai thác kiệt quệ các tài nguyên thiên nhiên, và dân số ngày càng lớn đẩy Trái đất vào hiểm họa, theo báo cáo “Hành tinh sống 2012” của WWF (World Wide Fund for Nature, Quĩ Bảo tồn Thiên nhiên). Báo cáo này do phi hành gia người Hà Lan Andre Kuipers khởi xướng khi bay trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) vòng quanh trái đất và được công bố cứ hai năm một lần. "Chúng ta chỉ có một Trái đất, và từ ISS, tôi có thể thấy rõ dấu ấn của nhân loại trên hành tinh này; chúng ta hành hạ hành tinh của mình một cách khủng khiếp, trong khi đương nhiên là chúng ta phải cứu vớt ngôi nhà duy nhất của mình.”

Theo Jim Leape, Tổng giám đốc của WWF Quốc tế có trụ sở chính tại Gland (Thụy Sĩ), loài người "sống như thể họ đã có thêm một hành tinh nữa sẵn đó làm dự trữ. Chúng ta sử dụng tài nguyên nhiều hơn 50% so với khả năng mà Trái đất có thể cung ứng bền vững, và nếu không có gì được thay đổi, vào năm 2030, thậm chí hai hành tinh như Trái đất cũng vẫn sẽ không đủ cho chúng ta”.

“Báo cáo này cũng giống như một cuộc tổng kiểm kê về hành tinh này, và kết quả cho thấy rằng hành tinh của chúng ta đang đau ốm dừ tử", Jonathan Baillie thuộc Hội Động vật học London, đồng tác giả của báo cáo này trần tình. "Bỏ qua chẩn đoán này sẽ đưa lại hậu quả trọng yếu cho nhân loại; chúng ta có thể khôi phục lại sức khỏe của hành tinh này, nhưng chỉ bằng cách giải quyết tận căn rễ: sự tăng trưởng dân số và sự tiêu thụ quá trời”, ông nói thêm.

Suy sụp kể từ năm 1970
Báo cáo “Hành tinh sống 2012” sử dụng một chỉ số để đo những thay đổi về sức khỏe của hệ sinh thái của hành tinh. Chỉ số này theo dõi hơn 9.000 quần thể của hơn 2.600 loài, và cho thấy một sự suy sụt tổng thể trong tất cả các quần thể kể từ năm 1970. Những hệ sinh thái nhiệt đới đang chịu tổn hại nhiều nhất, với một sự suy giảm 60% trong 40 năm qua. Báo cáo này cũng nêu bật tác động của quá trình đô thị hóa. Vào năm 2050, hai trong ba người sẽ sống ở các thành phố. Dân số ở các nước nghèo đã tăng lên 4,3 lần kể từ năm 1961, và dấu ấn sinh thái của họ đã tăng lên 323% trong khoảng thời gian này, báo cáo cảnh báo.

Ngoài ra, 13 triệu ha rừng đã bị mất đi mỗi năm trên thế giới từ năm 2000 đến 2010. Các nước BRIICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc) và các nước có thu nhập trung bình đã tăng dấu ấn sinh thái bình quân đầu người của họ 65% kể từ năm 1961. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa dấu ấn sinh thái (trên đầu người, ND) của các nước giàu và của các nước nghèo vẫn còn rất lớn. Báo cáo cho thấy những dấu ấn sinh thái của các nước giàu là năm lần cao hơn so với ở các nước nghèo. 10 quốc gia có dấu ấn sinh thái cao nhất trên đầu người là Qatar, Kuwait, UAE, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Bỉ, Úc, Canada, Hà Lan và Ireland.

Dân số thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1950. Từ 7 tỷ người vào năm 2011, dự kiến dân số sẽ đạt trên 9,3 tỷ vào năm 2050. Báo cáo đề xuất cách để "tạo ra một tương lai yên ấm” cho "9 hoặc 10 tỷ” người từ nay đến năm 2050. Giải pháp bao gồm việc tạo dựng một nền sản xuất sử dụng ít năng lượng hơn, và giảm tiêu thụ. Báo cáo này được xuất bản năm tuần trước khi hội nghị về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc được tổ chức tại Rio vào tháng sáu này và được gọi là Rio+20. Chính tại Rio vào năm 1992 Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất đầu tiên đã được tổ chức.

HOÀNG HỒNG MINH (TẠP CHÍ TIA SÁNG)


Hơn 50 thành phố Trung Quốc đang chìm xuống đất


http://www.reds.vn/index.php/





Có lỗi trước hết là việc sử dụng quá mức nguồn nước ngầm, kết quả là bên dưới nhiều thành phố Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, đã tạo ra những hố ngầm lớn nhất thế giới. Nhưng các vấn đề sinh thái của Trung Quốc không chỉ dừng ở đó.


Ở Trung Quốc, các ao hồ đang bốc hơi, các dòng sông khô cạn, 75% diện tích rừng bị chặt phá. Vì tầng đất bề mặt bị hủy hoại, đất đai đang biến thành sa mạc và phủ cát lên các thành phố, thậm chí các nước láng giềng. Như vậy, Trung Quốc đang trả giá cho tốc độ phát triển kinh tế chưa từng có và sự ham thích tiêu dùng mãnh liệt.

“Năm 1986, khi tôi lần đầu tiên đến Thượng Hải, ở đó chỉ có vài nhà cao tầng. 20 năm sau, số lượng các nhà này tăng lên đến 4.000, đó là gần như gấp đôi New York. Diện tích các tòa nhà văn phòng và nhà ở đang xây dựng ở Bắc Kinh - đó là bằng 3 Manhattan”, - qua một “bức tranh nhỏ” từ cuốn sách “Trung Quốc sẽ đi đâu, thế giới sẽ đi đó” của giáo sứ khoa Lịch sử Trung Quốc hiện đại, Đại học Oxford Karl Gerth, ta có thể đánh giá tốc độ phát triển kinh tế và công nghiệp của nước này.

Sự so sánh với Mỹ không phải là tình cờ: Trung Quốc đang dốc toàn lực cố “đuổi kịp và vượt nước Mỹ”, ít ra là về mức độ tiêu dùng. Và trong một vài lĩnh vực, họ đã làm được điều đó. Thép và thịt tiêu thụ ở đây nhiều gấp đôi ở Mỹ. Việc tiêu thụ ngũ cố và than cũng đang tiến gần đến các con số đó. Trung Quốc muốn sống theo các tiêu chuẩn Mỹ, và liệu chúng ta có thể trách móc họ về điều đó không? Nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ gây hậu quả gì?

Nếu như số lượng ô tô trên đầu người sẽ đạt đến mức của Mỹ, người Trung Quốc sẽ phải trải nhựa một diện tích gần bằng tất cả diện tích đất hiện đang canh tác. Còn nhu cầu về dầu của Trung Quốc sẽ vượt quá khối lượng dầu khai thác của thế giới, ông Karl Gerth cảnh báo.

Trong cuốn sách của ông, có riêng một chương dành cho các vấn đề sinh thái của Trung Quốc đương đại. Quy mô của chúng cũng gây ấn tượng không kém so với tất cả những thay đổi khác ở nước này trong 20 năm qua. Ví dụ, nhu cầu gia tăng về thịt và len đã dẫn tới sự xuất hiện của những đàn bò, dê và cừu khổng lồ. Kết quả là, những vùng cỏ mênh mông trên các đồng bằng Trung Quốc bị hủy diệt. Tầng đất bề mặt bị tơi vụn và đất biến thành bụi và cát. Riêng ở Bắc Kinh hàng năm hứng chịu nửa triệu tấn cát. Còn trong những năm gần đây, sa mạc nuốt chửng mấy ngàn làng mạc.

“Về thực chất, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu bụi chủ yếu của thế giới - hàng chục triệu tấn bụi Trung Quốc và muội hàng năm bị các luồng không khí đưa đến Triều Tiên và Nhật Bản, thậm chí bay đến bờ tây nước Mỹ”, - ông Karl Gerth viết. Còn đáng sợ hơn về hậu quả là tình hình sử dụng nước. Tháng 3/2012, bộ đất đai và tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc đã công bố báo cáo, theo đó bên dưới hơn 50 thành phố Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt lún liên tục, tờ The Epoch Times  cho biết. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hàng Châu, Tây An.

Quá trình này bắt đầu không phải ngày hôm qua: ví dụ, Thượng Hải trong 100 năm qua đã sụt xuống 3 m, nhưng trong những năm gần đây, quá trình này tăng nhanh đáng kể. Trong 30 năm qua, mặt đất ở thành phố Thương Châu thuộc tỉnh Hà Bắc ở miền đông sụt xuống 2,4 m. Một bệnh viện địa phương ban đầu có 3 tầng, cuối cùng chỉ còn là 2 tầng do một phần tòa nhà chìm sâu xuống đất. Các cây cầu, tuyến đường sắt bị phá hủy, các vết nứt xuất hiện trên các ngôi nhà.

Riêng Thượng Hải đã phải chi 12 tỷ USD để sửa chữa các bức tường bị nứt, gia cố móng và sửa chữa đường sá. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng sụt lún các chuyên gia quy cho việc sử dụng quá mức nguồn nước ngầm. Mỗi năm, Trung Quốc cần ngày một nhiều hơn tài nguyên nước - cho công nghiệp, nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt. 85% diện tích đất canh tác ở miền bắc Trung Quốc cần tưới, nhưng để có nước, nông dân phải khoan các giếng khoan sâu đến 300 m.

Do kinh tế tăng trưởng bùng nổ, nước đang ra đi khỏi Trung Quốc: các ao hồ đang bốc hơi, các sông băng tan chảy, các dòng sông khô cạn. Karl Gerth dẫn ra một dẫn chứng rất ấn tượng: trong 20 năm qua, ở tỉnh Hà Bắc bao quanh Bắc Kinh, trong 1.000 cái hồ chỉ còn lại vài chục. Ngoài ra, nước của các con sông thường bị nhiễm bẩn kinh hoàng: Trung Quốc đang đổ hàng tỷ tấn nước thải không được làm sạch vào riêng con sông Dương Tử lớn nhất châu Á. Giá cả hàng hóa Trung Quốc tương đối rẻ, một phần là vì phớt lờ các tiêu chuẩn sinh thái. Nhưng cái giá thật sự mà dân chúng nước này đang phải trả cho sự bành trướng ra thị trường thế giới thì cao hơn thế vô cùng nhiều.

Ví dụ, hiện nay, ở Trung Quốc, 100 USD có thể mua mấy chiếc áo len mà ở thế giới còn lại có giá cao hơn nhiều. Để sản xuất một sản phẩm áo len cần lông của 2-3 con dê. Và nếu như số bãi chăn thả ở Trung Quốc gần tương đương như ở Mỹ thì số lượng đại gia súc có sừng nhiều hơn 10 triệu con, còn cừu và dê nhiều hơn 400 triệu con.

Ông Karl Gerth nhận xét khá công bằng rằng, hàng triệu con bò và dê đang điềm nhiên gặm cỏ - đó không phải là một khúc nhạc đồng quê, mà là một câu chuyện giật gân. Tiếp sau các vùng đất màu mỡ ở Trung Quốc, đến lượt các cánh rừng cũng đang biến mất: sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm làm từ gỗ đã dẫn tới sự hủy diệt 75% diện tích rừng. Chính phủ Trung Quốc đang cố hạn chế việc chặt hạ cây cối và các biện pháp này đang buộc người Trung Quốc tìm nguồn cung gỗ ở nước ngoài và mua gỗ chặt hạ bất hợp pháp, chủ yếu là ở Nga.

Nhìn chung, tất cả những thảm họa sinh thái mà Trung Quốc hôm nay đang gánh chịu đang trực tiếp có liên quan đến Nga. Các quan chức bộ sinh thái Trung Quốc đã công khai nói rằng, trong những thập niên tới, ở Trung Quốc sẽ xuất hiện hơn 150 triệu di dân hay người tị nạn sinh thái. Đội quân khổng lồ của những di dân Trung Quốc đói khát này sẽ đổ đi đâu? Karl Gerth không hề nghi ngờ, đó chính là Siberia của Nga.

Ngoài việc hàng năm có thêm 4.000 km2 sa mạc, các thành phố Trung Quốc còn đang bị đe dọa bởi các bãi rác. Xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh có không dưới 7.000 bãi rác. 70% tổng số máy tính và máy móc văn phòng khác bị vứt bỏ trên thế giới là ở Trung Quốc, nơi dân chúng sở tại, chủ yếu là trẻ em đang cố moi từ chúng các mẩu kim loại quý.

Một số thành phố trên biên giới với Hongkong đã biến thành các bãi rác hàng điện tử. Các kết luận mà Karl Gerth đưa ra rất bi quan. Nền kinh tế thế giới đang chờ đợi sự tăng trưởng tiếp tục từ Trung Quốc. Nhưng ít ai nghĩ, sự tăng trưởng đó đang dẫn đến đâu. Bởi lẽ, Trung Quốc không phải là một hệ thống cô lập, có nghĩa là các thảm họa sinh thái của họ kiểu gì cũng đụng chạm đến cả thế giới còn lại.

Vị giáo sư cũng rất nghi ngờ khả năng nền dân chủ và đi cùng với nó là sự cở mở và công khai sẽ giải quyết được các vấn đề đang tồn tại ở Trung Quốc. Chủ yếu là vì dân chúng các nước đã quen đưa các chất thải và rác của mình sang thế giới thứ ba, sang chính Trung Quốc nêu ra ý kiến như vậy. Bởi lẽ, nền dân chủ của họ không cấm họ làm việc đó.

Như thế, Trung Quốc đang tiêu lạm “mau lẹ” tương lai của chính mình. Và hiện tại, không thế hiểu cái gì có thể làm dừng quá trình này.

NAM XƯƠNG (VIETNAMDEFENCE.COM)