Với một lượng lớn thiết bị máy tính (chưa kể ti-vi,
máy in và thiết bị kỹ thuật số cá nhân - PDA) sắp bị thải loại như vậy,
các doanh nghiệp và người tiêu dùng buộc phải tính đến việc xử lý thế
nào để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, môi trường sống bởi chì, thủy ngân,
cadmium, chromium... có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thiết bị
CNTT ngày càng được tái chế nhiều và quay trở lại phục vụ con người. Một
số công ty CNTT đã bán thiết bị cho công ty tái chế. Nhiều nhà sản xuất
đã đưa ra các chương trình nhận lại máy để giảm bớt gánh nặng vứt rác
điện tử ở người sử dụng.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ rác điện tử được tái chế trên
thế giới còn rất thấp. Theo tổ chức Greenpeace, chỉ có khoảng 17% lượng
máy tính cũ được tái chế ; tỷ lệ điện thoại di động cũ hỏng được tái chế
còn thấp hơn, chỉ khoảng từ 3-5%. Nói cách khác, tỷ lệ rác điện tử
không được tái chế lên tới 83%.
Trước cuộc khủng hoảng rác điện tử đang lan rộng trên
toàn thế giới, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia đã xây dựng các
luật và quy định chặt chẽ để đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, để
rác điện tử không còn là nỗi ám ảnh đối với các quốc gia trên thế giới,
cần có những giải pháp đồng bộ của nhiều bên liên quan.
Rác điện tử “di cư” đến các nước nghèo
Rác điện tử (e-waste) là mối lo ngại lớn trên toàn
cầu, đặc biệt khi CNTT ngày càng phát triển và tốc độ ra đời của sản
phẩm ngày càng nhanh, số lượng ngày càng lớn.
Máy tính, ti-vi, radio, pin, điện thoại di động, máy
ảnh và vô số sản phẩm điện tử khác bị vứt bỏ đều chứa kim loại và hóa
chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, chromium… và các chất làm chậm
phân hủy hay FCB. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, trong năm 2007,
người tiêu dùng Mỹ đã thải ra gần 3 triệu tấn rác điện tử. Hãng Gartner
ước tính chỉ riêng các gia đình và công ty Mỹ đã thải ra 156.000 chiếc
máy tính mỗi ngày. Chỉ 10-15% số đó được tái chế, số còn lại để trong
các gia đình và chất đống trên các bãi rác công cộng, nơi hóa chất độc
hại tha hồ rò rỉ.
Trong số rác điện tử được tái chế, có đến 80% được
xuất khẩu đến các nước nghèo, “đậu” lại những cửa hàng đồ cũ, nơi những
công nhân nghèo phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc trong khi chiết
xuất kim loại và linh kiện còn có thể sử dụng.
Và ở Việt Nam…
Những số liệu từ các nhà sản xuất máy tính Việt Nam
cho thấy hiện đang có những đợt nhập khẩu các thiết bị CNTT đã qua sử
dụng khá ồ ạt. Theo ước tính, mỗi tháng có thể có từ 40-60 container các
loại màn hình và máy tính đã qua sử dụng đủ các nhãn hiệu được nhập vào
và bán trên thị trường. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.216 công ty
trong nước và 187 công ty có vốn nước ngoài sản xuất phần cứng. Các công
ty trong nước chiếm 75% thị trường máy tính cả nước, 80% kim ngạch nhập
khẩu linh kiện máy tính theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, số lượng
thiết bị CNTT đã qua sử dụng được nhập về hằng năm là không thể thống kê
được nhưng chắc chắn là một con số lớn.
Các thiết bị CNTT nhập về Việt Nam thường là công
nghệ quá cũ, đã qua sử dụng từ một đến vài năm được thu hồi từ các công
sở, trường học, thậm chí cả bãi rác hoặc cũng có thể là những hàng bị
lỗi trong quá trình sản xuất đáng lẽ phải hủy bỏ. Những hàng này được
“tút”' lại và đóng thùng tại Việt Nam. Chúng thường được bán với giá rẻ
nhưng không được bảo hành. Trung bình chỉ có 300.000 đồng một màn hình
cũ hay 1,9 triệu đồng một bộ máy tính đã qua sử dụng.
Đâu là nguyên nhân ?
Rước họa do thiếu hiểu biết và nghèo. Tại Việt
Nam, trong khoảng mười năm gần đây, lượng máy tính đã qua sử dụng được
nhập khẩu ngày càng tăng dần. Bên cạnh tác động tích cực là tạo điều
kiện cho học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp tiếp cận
với CNTT, thì rất cần chú ý đến những tác hại của rác điện tử.
Cho đến nay, số lượng máy quá cũ, không thể nâng cấp
hoặc sửa chữa để tiếp tục sử dụng là rất lớn. Chúng thường được một số
nhà buôn phế liệu mua về tháo gỡ, phân thành ba loại : nhựa, sắt và
những linh kiện điện tử. Sau đó, sắt và nhựa được bán lại cho các cơ sở
tái chế, còn những chi tiết điện tử khác như RAM, ổ cứng, bo mạch, bộ
nguồn... thì được thợ điện tử, máy tính nhặt nhạnh để tận dụng.
Ở TP.HCM, quanh chợ Nhật Tảo, quận 10, hiện có nhiều
cơ sở chuyên mua bán loại phế liệu này và thỉnh thoảng lại có một đợt
hàng được những người chuyên thu gom phế liệu trong thành phố “đổ”
xuống. Sau khi được phân loại, số phế liệu không thể bán được sẽ theo
các xe chở rác đô thị đưa đến các bãi rác.
Tuy chưa có những “làng nghề” chuyên tái chế rác điện
tử gây ô nhiễm rõ rệt cho sức khỏe dân chúng và môi trường, dẫn đến sự
bùng phát hàng loạt hậu quả nghiêm trọng cho môi sinh như ở một số quốc
gia châu Á, song đã đến lúc, chúng ta cần dành cho loại rác đặc biệt này
sự quan tâm cần thiết. Thực tế ở một số địa phương của Trung Quốc và Ấn
Độ cho thấy, chính quyền đã không buông lỏng quản lý việc nhập và xử lý
rác điện tử
Các doanh nghiệp nhập khẩu đặt lợi nhuận lên trên hết.
Mục tiêu cao nhất của các doanh nghiệp là lợi nhuận nên để có lợi
nhuận, họ đã bằng mọi cách nhập vào trong nước cả những thứ mà họ biết
chắc là bị cấm.
Pháp luật chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt theo
Nghị định 138/NĐ-CP là 70 triệu đồng cho một lần vi phạm là mức phạt
cao nhất, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp không bị xử phạt ở mức
này. Mức xử phạt như trên là tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe các hành
vi vi phạm. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua mặc dù đã có nhiều cảnh
báo, nhưng doanh nghiệp vẫn núp dưới nhiều hình thức để nhập rác về như
nhập phế liệu cho sản xuất, tái chế để tái xuất. Vì vậy, Nhà nước cần
có chế tài xử phạt mạnh hơn mới đủ sức răn đe.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt.
Cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng cũng còn có “lỗ hổng”, nhiều
khi còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” đã làm hiệu quả của việc giám
sát, thực thi pháp luật chưa cao.
Một số giải pháp
Phát triển luật về rác thải điện tử. Để đối
phó với cuộc khủng hoảng rác điện tử trên thế giới, các tổ chức quốc tế
và từng quốc gia đã đề ra những quy định bắt buộc về nhập khẩu, quản lý
và xử lý rác độc hại.
Chúng ta cần có chỉ thị quy định về rác điện tử và
chỉ thị quy định việc giới hạn sử dụng những chất độc hại. Các văn bản
này cần buộc nhà sản xuất phải thu gom sản phẩm đã qua sử dụng và giảm
sử dụng chất độc hại (chì, thủy ngân, cadmium, chromium hóa trị 6, PBB
và PBDE) trong sản phẩm.
Nhà nước và các ban ngành chức năng nên có biện pháp
ngăn chặn tình hình nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng và có những
chính sách phát triển cho ngành sản xuất phần cứng ở Việt Nam. Cụ thể là
cấm nhập tiểu ngạch các mặt hàng này, kiểm tra kỹ C/O trong lúc làm thủ
tục nhập khẩu tại hải quan ; cấm nhập linh kiện máy tính đã qua sử dụng
; kiểm tra việc tạm nhập tái xuất các lô hàng...
Pháp luật Việt Nam quy định là hải quan làm nhiệm vụ
kiểm soát hàng hóa, khi nào có yêu cầu phối hợp, Cục Bảo vệ môi trường
mới vào cuộc, mà thường là xử lý khi “sự đã rồi” (các lô hàng phế thải
đã vào Việt Nam chứ không cản được chúng khi chưa vào lãnh thổ) nên hạn
chế đáng kể hiệu quả phòng chống, phát sinh chi phí xử lý, tiêu hủy.
Chất phế thải là hàng cấm đã nhập về thì không có chuyện xin phép, hay
phạt rồi cho phép nhập khẩu mà phải buộc xuất ra khỏi Việt Nam và trả về
nước xuất khẩu.
Gắn trách nhiệm vào nhà sản xuất thiết bị CNTT trong nước.
Một trong những giải pháp giúp giải quyết tận gốc vấn đề rác điện tử là
gắn trách nhiệm vào nhà sản xuất. Các chuyên gia cho rằng việc gắn
trách nhiệm cho nhà sản xuất sẽ mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, các nhà
sản xuất sẽ đưa chi phí quản lý rác vào giá thành sản phẩm. Cách làm này
sẽ thúc đẩy họ thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng thân thiện với môi
trường hơn và kéo dài vòng đời của sản phẩm. Chẳng hạn, thay vì thiết
kế một chiếc ti-vi hay máy tính chỉ sử dụng được trong ba năm, nhà sản
xuất sẽ phải thiết kế chúng có độ bền gấp đôi. Như thế, họ sẽ đỡ mất
công sức và tiền bạc cho việc tái chế rác điện tử.
Ngày nay, ngoài tái chế, loại bỏ những hóa chất độc
hại, ngày càng có nhiều công ty sản xuất ra những sản phẩm dùng những
chất liệu thân thiện với môi trường và kinh tế, giảm thải carbon, ngăn
ngừa hiện tượng ấm lên của toàn cầu.
Cần có nhận thức đúng từ phía người sử dụng.
Luật pháp dù có chặt chẽ tới đâu cũng không giúp giải quyết triệt để vấn
đề rác điện tử nếu thiếu sự nhận thức đúng đắn của công chúng. Khi nhận
thức đúng đắn, cộng đồng sẽ có thái độ phản đối việc nhập khẩu rác CNTT
bằng cách tránh mua sản phẩm đã qua sử dụng. Người dân sẽ có ý thức tốt
hơn trong việc thu gom rác CNTT. Cần hiểu rằng những mặt tích cực của
cuộc sống hiện đại chỉ mang đầy đủ ý nghĩa nếu chúng không phải trả giá
bằng sự thiệt hại về môi trường.
Về phần mình, chính người tiêu dùng cũng có thể góp
phần giảm thiểu lượng rác điện tử bằng cách lựa chọn các sản phẩm của
các công ty có hỗ trợ tái chế rác. Khi muốn vứt bỏ các loại phế phẩm
điện tử, người sử dụng cần để chúng vào đúng nơi quy định.
Tóm lại, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm
thực hiện phần việc của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng rác
điện tử phù hợp với vai trò, vị trí của mình.